(Các đại biểu dự hội nghị tại Ninh Bình)
Ngày 15/10/2021, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông 9 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ quý IV năm 2021. Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến. Tại điểm cầu Ninh Bình, dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh; đồng chí Lê Trọng Thành, TUV, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh; đồng chí Vũ Anh Thiều, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh cùng các đồng chí Ủy viên Ban An toàn giao thông tỉnh, phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí.
Hội nghị đã nghe đồng chí Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trình bày báo cáo công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông 9 tháng đầu năm 2021. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các lực lượng đồng thời phải chống dịch, thêm vào đó, nước ta diễn ra nhiều sự kiện chính trị, xã hội quan trọng như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, cùng nhiều đợt cao điểm về TTATGT, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương, tình hình TTATGT năm 2021 tiếp tục có chuyển biến tốt, cả 03 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT đều giảm so với cùng kỳ năm 2020, cụ thể: tính đến 15/9/2021, toàn quốc xảy ra 8.161 vụ TNGT, làm chết 4.175 người, bị thương 5.645 người. So với 9 tháng đầu năm 2020, số vụ TNGT giảm 2.527 vụ (-23,64%), số người chết giảm 817 người (-16,37%), số người bị thương giảm 2.237 người (-28,38%). Riêng quý III, xảy ra 1790 vụ, làm chết 945 người, bị thương 1152 người (so với cùng kỳ giảm 50,6% số vụ, giảm 42,7% số người chết, 57,5% số người bị thương). Trong 9 tháng có 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2020, trong đó có An Giang và Đồng Tháp giảm trên 50% số người chết do TNGT. Tuy nhiên, vẫn còn 09 tỉnh có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2020, 02 tỉnh có số người chết tăng trên 10% trở lên là: Điện Biên và Quảng Trị. (Riêng trong quý III, 08 tỉnh có số người chết do TNGT tăng, 5 tỉnh tăng trên 20% là Hà Giang, Tuyên Quang, Quảng Nam, Đắc Nông, Điện Biên)
Mặc dù đạt được những kết quả nổi bật, nhưng tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm TTATGT 9 tháng đầu năm 2021 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: mức độ giảm TNGT chưa tương xứng với mức độ giảm của lưu lượng giao thông; tình hình vi phạm quy định pháp luật về TTATGT đường bộ vẫn diễn ra khá phổ biến; tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ còn xảy ra tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên các tuyến giao thông đường bộ, đường thuỷ nội địa tại một số địa phương; tình hình vi phạm tải trọng xe ô tô trên đường bộ diễn ra phức tạp tại một số địa phương.
Tại Ninh Bình, 9 tháng đầu năm 2021 công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm và có chuyển biến tích cực trên cả 3 lĩnh vực đường bộ, đường sắt và đường thủy. Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông. Trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 92 vụ TNGT, làm chết 26 người, bị thương 76 người. So với cùng kỳ năm 2020, giảm 8 vụ (giảm 8%), giảm 01 người chết (giảm 3,7%), giảm 7 người bị thương (giảm 8,4%). Trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài trên các tuyến giao thông, đặc biệt là trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu và dịp Lễ hội Xuân 2021.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã biểu dương, nghi nhận những nỗ lực cố gắng của các bộ, ngành và các địa phương trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong 9 tháng đầu năm 2021. Để thực hiện có hiệu quả Kết luận số 45 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 18 của Ban Bí thư; Nghị quyết số 12 của Chính phủ và Kế hoạch năm ATGT 2021 của Ủy ban ATGT Quốc gia, đồng thời thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế, đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, Ủy ban ATGT Quốc gia: Tiếp tục thực hiện và đôn đốc các cơ quan thành viên, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2021; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới tưởng niệm nạn nhân TNGT 2021 (Chủ Nhật tuần thứ 3 của tháng 11). Chủ trì, phối hợp với các bộ ngành và địa phương trong xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Quyết định 2060/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là kế hoạch sửa đổi thể chế có liên quan để thực hiện các giải pháp trong Chiến lược. Đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương tổ chức Tổng kết thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các chuyên đề trong bảo đảm TTATGT. Xây dựng và ban hành Quy chế báo cáo kết quả thực hiện công tác bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông; Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2022. Dự thảo Công điện của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về bảo đảm TTATGT dịp cao điểm Tết dương lịch, Tết Nguyên Đán và Lễ Hội Xuân năm 2022 gắn với phòng chống dịch COVID-19.
Hai là, Bộ GTVT: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các đề án về ATGT, trong đó chú trọng: hoàn thiện Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Nghị định Hướng dẫn Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính; Đề án kiểm soát tải trọng xe tự động trên phạm vi toàn quốc. Kiểm tra tiến độ xóa bỏ lối đi tự mở tại các địa phương có đường sắt đi qua theo Nghị định 65 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đường sắt. Tiếp tục thực hiện nghiêm kiểm soát tải trọng xe theo Chỉ thị số 32 của Thủ tướng Chính phủ; đẩy nhanh tiến độ các dự án nâng cấp, mở rộng và kế hoạch bảo trì, sửa chữa KCHTGT, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT trên hệ thống các tuyến đường quốc lộ do trung ương quản lý. Khẩn trương hướng dẫn tổ chức vận tải hành khách, hàng hoá trên đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, phù hợp với thực tiễn công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Ba là, Bộ Công an: Tổng hợp kết quả kiểm tra thực hiện Kết luận số 45 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 đối với Đảng bộ các đơn vị, địa phương, các ban, ngành Trung ương, địa phương báo cáo Ban Bí thư các giải pháp chỉ đạo trong thời gian tới. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các kế hoạch thanh tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT do Bộ Công an đã ban hành, tăng cường kiểm tra các phương tiện vận tải, thực hiện nghiêm túc và hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quyết định số 165 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đầu tư, lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính. Phối hợp với ngành GTVT rà soát, đánh giá hiện trạng các tuyến giao thông để kiến nghị xây dựng phương án tổ chức lại giao thông theo từng tuyến, nhất là các tuyến giao thông phức tạp, kịp thời khắc phục các bất hợp lý về tổ chức giao thông trên các tuyến giao thông phức tạp, giải quyết các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Bốn là, Bộ Giáo dục và Đào tạo: triển khai và tổng kết Chương trình “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” và Chương trình “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ”. Tổ chức thẩm định bộ giáo trình điện tử “Giáo dục ATGT” cho học sinh tiểu học.
Năm là, Bộ Thông tin và Truyền thông: Phát hành tem, phòng bì truyền thông ATGT đến các điểm bưu điện văn hóa tại một số tỉnh, thành phố. Hoàn thành phát sóng chương trình phát thanh ATGT trên Đài Tiếng nói Việt Nam, hệ thống cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện và Đài Truyền thanh cấp xã trên toàn quốc.
Sáu là, Bộ Quốc phòng: chỉ đạo lực lượng kiểm tra xe quân sự và lực lượng vệ binh các cấp tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng phương tiện cá nhân ngay từ trong đơn vị. Hoàn chỉnh Dự thảo trình Thủ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt Đề án bảo đảm TTATGT đường bộ trong Quân đội giai đoạn 2021 - 2025. Xây dựng và triển khai Dự án "Ứng dụng CNTT trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý công tác kiểm định xe - máy quân sự".
Bảy là, đề nghị Tòa án nhân dân các cấp tổ chức thông tin, truyền thông về kết quả điều tra, xét xử những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng để phục vụ tuyên truyền, giáo dục và răn đe phòng ngừa vi phạm trong tương lai.
Tám là, các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật TTATGT để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông, tập trung tuyên truyền, vận động thực hiện chủ đề “Đã uống rượu, bia không lái xe”; không phóng nhanh, vượt ẩu; không vượt đèn đỏ; đi đúng phần đường, làn đường; đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy… tham gia giao thông an toàn trong điều kiện thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Chín là, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu Ban hành Quy định trách nhiệm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh, thành phố. Xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 2060 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược bảo đảm TTATGT đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 (đối với địa phương chưa xây dựng Kế hoạch). Chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện thống nhất về yêu cầu, nội dung, phương thức tổ chức kiểm soát dịch đối với người và phương tiện trên các tuyến giao thông theo đúng Nghị quyết 128 của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương. Tập trung tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về TTATGT; có phương án phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với hành vi đua xe và tổ chức đua xe trái phép, cương quyết xử lý, trấn áp theo quy định pháp luật những đối tượng manh động chống người thi hành công vụ. Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, sửa chữa, bảo trì, chỉnh trang kết cấu hạ tầng giao thông; ưu tiên xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT trên mạng lưới đường địa phương; tiếp tục xoá bỏ lối đi tự mở trái phép theo quy định tại Nghị Định 65 của Chính phủ. Xây dựng kế hoạch thực hiện có hiệu quả Công điện của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về bảo đảm TTATGT dịp cao điểm Tết dương lịch, Tết Nguyên Đán và Lễ Hội Xuân năm 2022 phù hợp với thực tiễn phòng chống dịch COVID-19 tại địa phương. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị trực thuộc trung ương báo cáo kết quả thực hiện những giải pháp cụ thể về nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân; kết quả việc di dời các cơ quan trung ương, trường học, bệnh viện lớn ra khỏi trung tâm thành phố và việc lập lại trật tự, kỷ cương lòng, lề đường, vỉa hè, tránh hiện tượng tái lấn chiếm, việc gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương và đơn vị trực tiếp quản lý./.
Đại Nghĩa