(Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phát biểu chỉ đạo tại Lễ phát động)
Sáng 6/1/2022, tại Hà Nội, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức phát động ra quân Năm An toàn giao thông 2022 và đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội Xuân năm 2022.
Dự và chỉ đạo Lễ Phát động Năm An toàn giao thông 2022 có các đồng chí: Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; Chu Ngọc Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội; Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, các cơ quan thông tấn, báo chí.
Phát biểu chỉ đạo và phát động Năm An toàn giao thông 2022, đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã nêu bật những kết quả đạt được trong Năm An toàn giao thông 2021. Mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động nhiều mặt lên công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, tình hình trật tự an toàn giao thông năm 2021 tiếp tục có chuyển biến tích cực. Số vụ tai nạn giao thông, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông đều giảm sâu so với năm 2020, đặc biệt số người chết giảm xuống dưới 5.800 người; ùn tắc giao thông từng bước được kiểm soát, cơ bản khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ do kiểm soát dịch COVID-19.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, ngoài những nguyên nhân khách quan, những kết quả đạt được đã khẳng định các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông mà Đảng, Chính phủ và của các ngành, các cấp đã và đang thực hiện trong những năm qua và trong năm 2021 là đúng đắn và hiệu quả.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2022 và có thể là một vài năm tới, tình hình dịch COVID-19 sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của những biến chủng mới, đòi hỏi triển khai các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông tương ứng với nhịp độ phát triển kinh tế, sự gia tăng nhu cầu vận tải và mật độ phương tiện, đồng thời đảm bảo phòng chống sự lây nhiễm dịch bệnh trong giao thông vận tải và trong quá trình thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu các cơ quan thành viên của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch và triển khai hiệu quả Năm An toàn giao thông 2022 với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” với 4 mục tiêu gồm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn; hàng năm giảm tai nạn giao thông từ 5-10% cả về số vụ, số người chết và số người bị thương; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm, tại các đô thị lớn và không để xảy ra ùn tắc giao thông khi kiểm soát dịch bệnh, không để lây nhiễm, bùng phát dịch bệnh trong hoạt động giao thông vận tải cùng với thực hiện 8 nhóm giải pháp trọng tâm cụ thể như sau: Một là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trước hết là tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/2/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông. Kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Uỷ ban ATGT Quốc gia và Ban ATGT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Hai là, xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật và các quy định liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT nhằm áp dụng kịp thời các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào thực tiễn. Lồng ghép mục tiêu bảo đảm TTATGT vào các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, xây dựng đô thị, nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành về GTVT; quản lý chặt chẽ việc triển khai thực hiện các quy hoạch, xử lý nghiêm, dứt điểm các hành vi vi phạm. Ba là, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; xóa bỏ lối đi tự mở trái phép qua đường sắt; ngăn ngừa, xử lý hoạt động lấn chiếm tuyến luồng hàng hải, đường thuỷ nội địa; bảo vệ an toàn tĩnh không đường tiếp cận và khu bay các cảng hàng không. Bốn là, nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông vận tải; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho phương tiện, linh kiện, vật liệu và hạ tầng để tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và lưu hành đối với phương tiện thân thiện với môi trường. Năm là, tái cơ cấu vận tải, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, giảm dần phụ thuộc vào đường bộ; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị và liên tỉnh. Sáu là, kiên trì xây dựng văn hoá giao thông an toàn. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả; đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số. Bảy là, nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm TTATGT và phòng, chống dịch bệnh trong giao thông vận tải; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng và đảm bảo khả năng kết nối, sử dụng chung các cơ sở dữ liệu giữa ngành GTVT, Công an, Y tế, Bảo hiểm và các cơ quan chức năng có liên quan trong thực thi pháp luật và chia sẻ phục vụ công tác xây dựng, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nghiên cứu khoa học về bảo đảm TTATGT. Tám là, nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, cứu chữa nạn nhân và khắc phục hậu quả tai nạn giao thông; tập huấn kỹ năng sơ cứu tai nạn giao thông cho nhân viên y tế cơ sở, lực lượng thực thi pháp luật và người tham gia giao thông.
Ngay sau Lễ phát động, các lực lượng tham dự đã tổ chức diễu hành tuyên truyền an toàn giao thông tại một số trục đường chính.
Đại Nghĩa